KỶ NIỆM 113 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ (08/3/1910-08/3/2023)

Lịch sử ngày 8/3 bắt đầu từ phong trào nữ công nhân nước Mỹ. Cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản ở Mỹ đã phát triển một cách mạnh mẽ. Nền kỹ nghệ đã thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào các nhà máy, xí nghiệp. Nhưng bọn chủ tư bản trả lương rất rẻ mạt, giờ giấc làm việc không hạn định cốt sao thu được nhiều sản phẩm cho chúng.
Căm phẫn trước sự bất công đó, ngày 8/3 năm 1899, nữ công nhân nước Mỹ đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Phong trào bắt đầu từ nữ công nhân ngành dệt và ngành may tại hai thành phố Chi-ca-gô và New Yoóc. Mặc dù bị bọn tư bản thẳng tay đàn áp, chị em vẫn đoàn kết chặt chẽ, bền bỉ đấu tranh buộc chúng phải nhượng bộ. Cuộc đấu tranh của nữ công nhân Mỹ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào phụ nữ lao động trên thế giới, đặc biệt phụ nữ ở nước Đức, một nước có nền kỹ nghệ tiên tiến lúc bấy giờ. Trong phong trào đấu tranh giai cấp lúc đó đã xuất hiện hai nữ chiến sỹ lỗi lạc, đó là bà Cla-ra Zet-kin (Đức) và bà Rô-gia Lúc-xăm-bua (Ba Lan). Nhận thức được sự mạnh mẽ và đông đảo của lực lượng lao động nữ và sự cần thiết phải có tổ chức, phải có lãnh đạo để giành thắng lợi cho phong trào phụ nữ nên năm 1907, hai bà đã cùng phối hợp với bà Crup-xkai-a (vợ đồng chí Lê-nin) vận động thành lập Ban “Thư ký phụ nữ quốc tế”. Bà Cla-ra Zet-kin được cử làm Bí thư.
Năm 1910, Đại hội phụ nữ quốc tế Xã hội chủ nghĩa họp tại Cô-pen-ha-gen (Thủ đô nước Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày “Quốc tế phụ nữ”, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu:
– Ngày làm 8 giờ.
– Việc làm ngang nhau.
– Bảo vệ bà mẹ và trẻ em.
Từ đó ngày 8/3 trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là ngày biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.
Hiện nay ngày Quốc tế Phụ Nữ được xem là ngày lễ chính thức tại những nước sau đây: Armenia, Azerbaijan, Belarus, Bulgaria, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Macedonia, Moldova, Mông Cổ, Nga, Tajikistan, Ukraine, Uzbekistan, và Việt Nam. Trong ngày này, đàn ông tặng hoa và quà cho những người phụ nữ trong đời của họ như mẹ, vợ, bạn gái, v.v… Tại một số nơi, nó cũng được xem tương đương với Ngày Hiền Mẫu (Mother’s Day).
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam sinh ra không biết bao nhiêu người con ưu tú của đất nước trong đó phụ nữ chiếm một phần đáng kể .Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, duyên dáng mà ẩn chứa bên trong một nghị lực phi thường và một tâm hồn trí tuệ sâu sắc luôn là niềm tự hào của người Việt Nam mọi thế hệ.
Ở nước ta, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, cũng tương tự như ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, là ngày tôn vinh và thể hiện sự yêu thương và trân trọng phái đẹp. Bởi trong quá khứ, hiện tại và tương lai, phụ nữ luôn là một phần không thể thiếu và mang đến những cống hiến to lớn cho xã hội. Ngày 8/3 còn là dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng – hai vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ nguyên bờ cõi, giang sơn đất Việt. Niềm tự hào và ý chí vươn lên của phụ nữ Việt Nam, một phần cũng có cội nguồn từ truyền thống dân tộc độc đáo đó.
Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa. Lời hịch thiêng liêng “Đền nợ nước, trả thù nhà” đã nhận được sự hưởng ứng của các Lạc hầu, Lạc tướng, của những người yêu nước ở khắp các thị quận và đông đảo lực lượng là phụ nữ tham gia khởi nghĩa. Bà Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng), bà Lê Chân (Hải Phòng), bà Bát Màn (Thái Bình), bà Lê Thị Hoa (Thanh Hóa), bà Thánh Thiện (Hà Bắc)… ý chí kiên cường và lòng yêu nước của Hai Bà đã được đúc kết lại bằng những vần thơ bất hủ:
“Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”.
Sử cũ còn ghi : Hai chị em Trưng Trắc – Trưng Nhị là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh – thuộc dòng dõi Hùng Vương vì nợ nước thù nhà Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa vào giữa mùa xuân năm Kiến Vũ thứ 16 (tháng 3/ năm 40 ) chỉ trong một thời gian ngắn Hai Bà đã thu phục được 65 huyện thành. Viên Thái Thú Tô Định phải bỏ ấn tín chạy về Nam Hải. Sau đó Nhà Hán đã cử Mã Viện đem quân sang đàn áp, quân của Trưng Vương chiến đấu rất dũng cảm ,xong vì thế cùng lực tận đã bị thua trận. Hai bà Trưng về Hát Môn rồi gieo mình xuống dòng sông Hát để tự vẫn. Lần đầu tiên trong lịch sử, người phất cờ khởi nghĩa là phụ nữ, người lãnh đạo khởi nghĩa là phụ nữ, xưng vương dựng nước lại là phụ nữ. Chưa có một dân tộc, một quốc gia nào lại có được niềm vinh quang như vậy. Ngày nay, cứ mỗi độ xuân về chúng ta lại kỉ niệm chiến công và sự hi sinh lẫm liệt của Hai Bà cùng các nữ tướng.
Tiếp nối truyền thống đánh giặc của Hai Bà Trưng và các nữ tướng của hai Bà, năm 248 bà Triệu Thị Trinh người nữ anh hùng của Xứ Thanh với câu nói nổi tiếng: “ Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng giữ, chém cá kình ở biển đông, cởi ách nô lệ… chứ không chịu làm tỳ thiếp cho người” đã phất cờ khởi nghĩa đánh giặc Ngô, chiến đấu anh dũng với tinh thần “sinh vi tướng, tử vi thần” (sống làm tưóng , chết làm thần), Bà đã hy sinh anh dũng tại núi Tùng (Hậu Lộc – Thanh Hoá). Tấm gương của Bà Triệu được Chủ tịch Hồ chí Minh ghi lại một cách trang trọng trong cuốn “Lịch sử nước ta”như sau:
“ Tỉnh Thanh Hoá có một bà
Tên là Triệu Ẩu, tuổi đà đôi mươi
Tài năng dũng cảm hơn ngời
Khiêu binh cứu nước muôn đời lưu phơng
Phụ nữ ta chẳng tầm thường
Đánh đông, dẹp bắc làm gương để đời”
Đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, người phụ nữ đảm đương rất nhiều vai trò, là người mẹ, người vợ thương con, chờ chồng, thầm lặng hy sinh tất cả cho ngày chiến thắng, là người chiến sĩ xung phong nơi mưa bom bão đạn, đối mặt với cái chết vẫn không nao núng. Chúng ta không thể quên chị Nguyễn Thị Minh Khai, liệt sĩ bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm với cuốn nhật ký chiến tranh khiến cả thế giới phải cúi đầu ngưỡng mộ tinh thần phụ nữ Việt Nam, thiếu tướng Nguyễn Thị Định, nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và rất rất nhiều những phụ nữ tiêu biểu của Việt Nam ở thế kỷ XX .
Trong cuộc sống hôm nay vị thế người phụ nữ ngày càng được nâng cao đã đóng góp 1 phần công sức không nhỏ trong sự chuyển mình của đất nước trên các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, chính trị văn hoá xã hội để tạo nên một chân dung mới của người phụ nữ xây dựng đất nước , gia đình và hoàn thiện bản thân. Đã có nhiều chị được trao tặng “Giải thưởng phụ nữ Việt Nam tiêu biểu, tài năng ”
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, phụ nữ cũng góp phần không nhỏ vào chiến thắng của toàn bộ dân tộc. Từ những nữ dân quân tự vệ, những cô gái mở đường tự nguyện tham gia cách mạng, các bà, các mẹ, các chị gia tăng sản xuất phục vụ kháng chiến. Đến những bà mẹ Việt Nam anh hùng coi bộ đội như con, sẵn sàng giúp đỡ, thậm chí là hy sinh cả tính mạng để quân ta có cơ hội chiến thắng.
Ngày 8/3/1965, đánh giá cao cống hiến của phụ nữ miền Nam Đảng, chính phủ và Bác đã tặng bức trướng thêu 8 chữ vàng “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang” và Nhà nước đã tặng Phụ nữ miền Nam Huân chương “Thành đồng” hạng nhất. Ngày 4 tháng 10 năm 1997, chính phủ Việt Nam đã có quyết định phê duyệt kế hoạch hành động Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ tại Việt Nam. Đã có nhiều chị được trao tặng “Giải thưởng phụ nữ Việt Nam tiêu biểu, tài năng ”, Giải thưởng tôn vinh phụ nữ Việt Nam hàng năm.
Ở Việt Nam hiện nay trong tổng lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên nữ giới chiếm 48,5% và có hơn 70% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động (tỷ lệ này trên toàn cầu là 47,2%) điều đó chứng tỏ phụ nữ Việt Nam đóng vai trò chính trong công việc gia đình và nuôi dạy con cái. Trong số các đại biểu của Quốc hội Việt Nam, tổ chức quyền lực cao nhất, phụ nữ chiếm 27,3% ( giai đoạn 2007-2011) và được liên hiệp quốc đánh giá: “Phụ nữ Việt Nam tham gia hoạt động chính trị cao nhất thế giới”. Một số lĩnh vực lao động nữ chiếm tỷ lệ đa số nhất là lĩnh vực giáo dục đào tạo: giáo viên nữ chiếm gần như tuyệt đối bậc giáo dục mầm non, 70,9% bậc phổ thông, 48,9% bậc cao đẳng, đại học… Ở phương diện nào người phụ nữ cũng hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, tạc vào lịch sử dân tộc một hình tượng cao quý và ngời sáng như Bác Hồ đã khen ngợi : “ Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”
Trong dịp lễ đặc biệt này đàn ông Việt Nam sẽ tặng những người phụ nữ xung quanh mình những món quà, đoá hoa, bữa tiệc lãng mạn và những lời chúc tốt đẹp. Đó là một nét đẹp truyền thống bởi khi sự bất bình đẳng giới vẫn còn phổ biến ở một số nơi trên thế giới, vẫn còn những người phụ nữ phải âm thầm hy sinh và chịu đựng để xây dựng hạnh phúc gia đình. Vì vậy, trong 365 ngày, phụ nữ xứng đáng được có riêng một ngày để nhận được sự quan tâm và tôn trọng hơn từ nửa còn lại của thế giới, chia sẻ với họ những khó khăn trong công việc và gia đình. Không ai có thể phủ nhận vai trò và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ thời hiện đại. Họ vừa là người nội trợ trong gia đình, hy sinh và “giữ lửa” cho tổ ấm. Họ cũng vừa tham gia lao động và đóng góp cống hiến sức lực của mình vào sự phát triển của đất nước, từ nữ doanh nhân thành đạt đến các nữ nghệ sĩ, người truyền cảm hứng, … Không những thế họ còn giữ một thiên chức cao cả là một người mang nặng đẻ đau ra những đứa con và nuôi dạy chúng thành người. Dưới sự đấu tranh không ngừng cho bình đẳng giới mà biểu tượng là ngày 8/3, phụ nữ ngày nay đang dần khẳng định mình là phái đẹp chứ không còn là phái yếu như trước kia./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *