Như chúng ta đã biết với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và cách mạng công nghệ 4.0, mạng xã hội ra đời đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội. Hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội là phương thức tiếp cận với cộng đồng phổ biến được cập nhật theo xu hướng phát triển của thời đại số. Cũng chính vì những năm gần đây, mạng xã hội đã có bước phát triển mạnh mẽ, tác động, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mạng xã hội đã trở thành một thuật ngữ phổ biến với những tính năng đa dạng, cho phép người dùng kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả. Mỗi thông tin có thể có hàng nghìn thành viên bình luận, chia sẻ, bộc lộ những cảm xúc cá nhân nhanh chóng, tức thời. Mọi giới hạn về không gian và thời gian bị xóa bỏ. Mạng xã hội có những tính năng như trò chuyện (chat), thư điện tử (email), phim ảnh, chia sẻ tập tin, bài viết… Mạng đổi mới hoàn toàn cách thức cư dân mạng liên kết với nhau và trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống hàng ngày của hàng trăm triệu thành viên trên khắp thế giới. Chưa bao giờ, mạng xã hội lại chi phối, tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của con người trên khắp hành tinh đến như vậy.
Để phù hợp với xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và cách mạng công nghệ 4.0, các cơ sở giáo dục nói chung, các trường Đại học, và Trung tâm GDTX nói riêng đã sử dụng, khai thác mạng xã hội hiệu quả trong việc truyền thông về tuyển sinh, đào tạo bồi dưỡng các ngành nghề mà đơn vị được phép đào tạo theo quy định. Việc truy cập mạng xã hội của người có nhu cầu học tập được thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi. Các phương tiện truy cập rất đa dạng và phong phú như: điện thoại di động, Laptop, máy tính để bàn, máy tính bảng, đồng hồ thông minh và các thiết bị khác, trong đó được sử dụng nhiều nhất là điện thoại di động. Qua đó, cho phép người dùng có thể kết nối, giao lưu, chia sẻ những thông hữu ích trên nền tảng Internet.
So với trước đây các nhà trường tập trung chú trọng khai thác nguồn tuyển sinh bằng hình thức dùng mẫu tờ rơi quảng cáođể đạt được mục tiêu trong công tác tuyển sinh, nhằm mục đích đưa thông tin tuyển sinh của mình đến từng ngõ ngách của các khu phố, khu dân cư, các cổng trường học, những nơi tập trung nhiều người có con em đang có nhu cầu học tập. Với cách làm đó, các ông bố, bà mẹ, các công chức viên chức… có cơ hội tiếp cận được thông tin tuyển sinh từ các trường/trung tâm đào tạo hơn. Thông qua đó, họ có thể lắng nghe và tư vấn đối với việc chọn nghề, chọn trường của con em mình; Hợp tác liên kết tuyển sinh giữa các trường Đại học với các trường Trung cấp Cao đẳng và Trung tâm GDTX; Tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh…
Khác với phương thức truyền thông truyền thống, giờ đây với mạng xã hội, mỗi cá nhân, tập thể có thể lập một hoặc nhiều trang mạng xã hội khác nhau để kết nối các thành viên như Facebook, Instagram, Twitter, Google Plus, Youtube, Tik Tok… Nhìn chung, có thể chia mạng xã hội ra làm 4 nhóm: mạng cộng đồng, mạng phổ biến nội dung, mạng thương mại và mạng giải trí. Đặc điểm nổi trội của mạng xã hội là tốc độ kết nối nhanh, phạm vi chia sẻ rộng, hiệu quả tác động lớn. Có thể nói, mạng xã hội đã trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với đời sống, tác động một cách trực tiếp, làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi cá nhân, qua đó tác động đến sự phát triển của toàn xã hội.
Với nhiều tính năng đa dạng, tiện lợi, mạng xã hội đang ngày càng trở nên phổ biến và đang là xu thế có tác động mạnh mẽ tới dư luận xã hội, thu hút nhiều người tham gia, sử dụng. Hiện nay, mạng xã hội có sự phát triển mạnh mẽ và sức hấp dẫn lớn với nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội, nhờ ưu thế cập nhật thông tin dễ dàng, tốc độ lan truyền nhanh, liên tục theo từng giây, thông tin phong phú, đa dạng từ nhiều nguồn với nhiều lĩnh vực. Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội ở góc độ nhất định, đây là một kênh tuyên truyền tuyển sinh hiệu quả nhất của các trường Đại học và các Trung tâm GDTX, phù hợp với xu thế của thời đại.
Tính kết nối, chia sẻ gắn liền với mỗi cá nhân đã làm cho thông tin trên mạng xã hội hết sức phong phú. Các tiện ích của mạng xã hội ngày càng thu hút nhiều người, tạo ra môi trường mở giúp giao lưu, liên kết. Từ các tiện ích đó, nhiều cơ quan, đơn vị, các Trung tâm GDTX… lập trang các trang mạng xã hội để kết nối chia sẽ và hướng tới mục tiêu giảm chi phí và đạt hiệu quả trong hoạt động tuyển sinh, đào tạo, liên kết đào tạo bồi dưỡng trong giai đoạn hiện nay.
Theo thống kê, tính đến tháng 2-2022, ở Việt Nam, những mạng xã hội phổ biến là Facebook, Zalo, Messenger, Tik Tok, Instagram. Trong đó, 93,8% người có độ tuổi từ 16 tới 64 đang sử dụng internet ở Việt Nam có sử dụng Facebook, với các nền tảng mạng xã hội phổ biến khác như Zalo hay Messenger, tỷ lệ tương ứng là 91,3% và 82,2%.
Tuy nhiên, nếu như Youtube giữ vị trí số 1 ở bảng xếp hạng năm 2021, thì năm 2022, Tik Tok – nền tảng video ngắn đang nổi lên như một sự thay thế. Người làm truyền thông tuyển sinh cần nắm bắt xu thế để tiếp cận được đông đảo cộng đồng mạng hơn. Với lợi thế của sự phổ biến và tính dễ dùng, Facebook và Zalo là những nền tảng mạng xã hội được nhiều nhà trường lựa chọn như kênh giao tiếp, kết nối chủ đạo trong đơn vị của mình. Tuy nhiên, mỗi mạng xã hội lại có lợi thế và phương thức hoạt động khác nhau. Có mạng xã hội thì phổ biến hơn, tuy nhiên lại không được đánh giá cao về tốc độ và lợi thế trong chuyển tải thông tin. Trong khi đó, có mạng xã hội dù bảo đảm tính dễ dùng nhưng lại không được coi trọng ở khâu bảo mật thông tin. Chính vì vậy, cần dựa vào điều kiện, hoàn cảnh, nhu cầu, mục đích của mỗi nhà trường để lựa chọn nền tảng mạng xã hội cho hoạt động kết nối của đơn vị mình một cách phù hợp.
Trong điều kiện hiện nay, để nâng cao hiệu quả khai thác mạng xã hội nhằm phát triển hơn nữa và đa dạng hình thức tuyển sinh, đào tạo bồi dưỡng thông qua mạng xã hội các cơ sở giáo dục cần phải chú trọng vào một số yêu cầu sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệmvà lựa chọn nền tảng mạng xã hội:Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính sáng tạo cho đội ngũ cán bộ giáo viên và các tổ chức đoàn thể trong nhà trường về tăng cường ứng dụng công nghệ mới, với thiết bị hiện đại, tạo điều kiện cho số đông cư dân mạng, nhất là giới trẻ có thể dễ dàng truy cập khai thác, tìm kiếm, chia sẻ và tương tác những ngành nghề mà họ đang có nhu cầu. Lựa chọn những nền tảng mạng xã hội phổ biến, phù hợp, dễ dùng và có tính bảo mật cao.
Hai là,xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, phụ trách thiết kế nội dung riêng cho mạng xã hội của đơn vị.
Kỹ năng sử dụng mạng xã hội như một kênh truyền thông chính trong các nhà trường để tương tác với người có nhu cầu học tập nâng cao trình độ hoặc phù hợp với vị trí công việc trong cơ quan, đơn vị. Phương thức hoạt động trên mạng xã hội khác rất nhiều với các phương thức truyền thông, kết nối truyền thống. Do đó, để bảo đảm việc sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả, cần xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên chuyên nghiệp, giỏi kỹ năng sử dụng mạng xã hội như một kênh truyền thông chính thức. Nhóm này sẽ hỗ trợ chọn lựa, xây dựng và duy trì các nền tảng mạng xã hội phù hợp với nhà trường và phù hợp với người có nhu cầu học tập.
Cùng với đội ngũ cán bộ, giáo viên chuyên nghiệp, cần tăng cường các nội dung riêng cho mạng xã hội, thay vì chỉ đăng lại các tin tức trên website hoặc chia sẻ các đường link từ báo chí hoặc các đơn vị liên kết. Vì vậy, đầu tư nội dung riêng, hình thức phù hợp với người học là việc làm cần thiết.
Để nội dung đó đạt được hiệu quả, cần phải có hình thức thể hiện phù hợp với thị hiếu của cộng đồng mạng xã hội. Đa phần trong số cộng đồng mạng sẽ thích đơn vị đào tạo đưa những thông tin ngành nghề ngắn gọn, hình thức học, chương trình đào tạo, đối tượng người học và học phí …. Đồng thời, tăng cường truyền thông thị giác như hình ảnh, đồ họa, video, video streaming…
Ba là,“cá nhân hóa” thông tin, tăng cường tương tác với cộng đồng.
“Cá nhân hóa” có thể hiểu là một hình thức tương tác giữa người dùng với hệ thống, sử dụng các tính năng công nghệ để điều chỉnh nội dung, phân phối và sắp xếp thông tin cho phù hợp với sở thích của từng người. Mục tiêu của cá nhân hóa là tương tác với công chúng thực sự như những cá nhân riêng biệt. Như vậy, cùng một thông điệp nhất quán, nhưng nội dung và hình ảnh gửi đến cho công đồng có thể khác nhau…
Thông tin tuyển sinh phải được quảng bá, lan truyền rộng khắp, tạo ra nhận thức chung cho toàn dân. Nhưng chắc chắn một cách truyền tải tin giống nhau lại không thể thỏa mãn tất cả đối tượng công chúng ở các độ tuổi, ngành nghề, thị hiếu khác nhau. Giả sử người làm truyền thông lựa chọn theo phong cách phục vụ đối tượng trẻ, thì có thể lại bỏ lỡ mất cơ hội tiếp cận các đối tượng khác. Vì vậy, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để “cá nhân hóa” thông tin, gửi tới mỗi người một phiên bản thông tin phù hợp nhu cầu và thị hiếu của họ… giúp tăng cơ hội tiếp cận và truyền tải thông điệp hiệu quả hơn.
Bốn là,có cơ chế phối hợp và thi đua khen thưởng: Các đơn vị hợp tác, liên kết phải chia sẻ quyền lợi coi là tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin, có những chính sách khuyến khích phù hợp. Hoàn thiện hệ thống cơ chế phối hợp giữa các bên, quy định rõ trách nhiệm giữa các bên trong việc khai thác tuyên truyền tuyển sinh; Làm tốt công tác thi đua khen thưởng trong việc hợp tác, phối hợp.
Như vậy, việc sử dụng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền tuyển sinh, đào tạo là một hoạt động cần được thúc đẩy ở các nhà trường hiện nay, vì nó mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả nhà trường và người học. Tuy nhiên, để bảo đảm sử dụng mạng xã hội hiệu quả, cần phải nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên, lựa chọn mạng xã hội phù hợp, tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên phụ trách mảng này phải chuyên nghiệp, cơ chế phối hợp linh hoạt, có như vậy mới đạt kết quả và hiệu quả cao trong hoạt động truyền thông này ở các cơ sở giáo dục đại học, trung tâm GDTX cấp tỉnh trong giai đoạn hiện nay.