Phát triển Đào tạo Đại học linh hoạt, thích ứng góp phần thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục đại học

Đào Phan Thắng – Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa
      Tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược có nhiều đổi mới so với các kỳ Đại hội trước, nhất là Đại hội XII. Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm, từng nội dung nhiệm vụ trọng tâm có những đổi mới cụ thể như : (1)Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; (2) Về phát triển kinh tế; (3) Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; (4) Về văn hóa, xã hội; (5) Về dân chủ xã hội chủ nghĩa, đại đoàn kết toàn dân tộc; (6) Về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu.
      Trong ba đột phá chiến lược tại  Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XII đã bổ sung, nhấn mạnh những nội dung sau:
(1) Về thể chế, (2) Về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, (3) Về hệ thống kết cấu hạ tầng.
      Để tận dụng hiệu quả các cơ hội, vượt qua những thách thức từ cuộc cách mạng công nghệ  4.0 cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và truyền thông, nhân loại đã bước sang nền kinh tế mới – kinh tế tri thức. Trong bối cảnh đó, giáo dục có những biến đổi to lớn, thích ứng với sự phát triển của xã hội, phải lấy “học thường xuyên, học suốt đời” làm nền móng, nhằm hướng tới xây dựng một “xã hội học tập”.
       Ngành Giáo dục và đào tạo trong thời kỳ cách mạng 4.0 có sự thay đổi lớn trong mục tiêu và cách thức đào tạo, chuyển từ truyền thụ kiến thức cho số đông sang khai phóng tiềm năng, đồng thời trao quyền sáng tạo cho từng cá nhân. Người dạy sẽ chuyển sang vai trò mới là người thiết kế, xúc tác, cố vấn và tạo môi trường học tập. Với nội dung học tập được số hóa, người học sẽ có một lộ trình học tập riêng, có thể lựa chọn nội dung phù hợp với mục tiêu đào tạo. Hệ thống học tập số hóa cũng cung cấp phản hồi về hiệu quả học tập cùng với gợi ý cho các nội dung học tập tiếp theo.
      Học tập theo hướng “cá nhân hóa” ngày càng trở thành xu thế và điểm mạnh trong các mô hình giáo dục. Trong đó đào tạo không chính quy là loại hình thích ứng, sáng tạo, nắm bắt kịp thời xu thế đó. Do vậy “Phát triển đào tạo đại học linh hoạt, thích ứng góp phần thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục đại học” trở thành chủ đề đáng được quan tâm và cần rất nhiều công sức đóng góp của toàn xã hội, nhất là những người đã và đang làm nhiệm vụ phối hợp liên kết đào tạo giữa Trung tâm GDTX cấp tỉnh và Trường ĐH Mở Hà Nội.
      Nói về Xã hội học tập (XHHT) là chúng ta nói tới một xã hội mà mọi người đều được học, cần phải học và tự giác học thường xuyên, học suốt đời; mọi người được tiếp cận những cơ hội học tập thuận lợi; tự bản thân mỗi người luôn lấy tự học với ý chí, nghị lực phấn đấu của mình để đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội; mọi người không phân biệt tuổi tác, ngành nghề, trình độ, xác định học tập là nhu cầu tất yếu, luôn phải học và học suốt đời, học ở mọi nơi, mọi lúc.
      Đảng và Nhà nước ta đang từng bước “hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, học suốt đời và xây dựng xã hội học tập; gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy với giáo dục thường xuyên; giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội” nhằm tạo cơ hội mở cho mọi đối tượng có nhu cầu học, mở ra không gian và thời gian học tập, mở ra các tài nguyên giáo dục, mở ra các khóa học trực tuyến, từ xa; tháo gỡ được rào cản về tài chính, pháp lý trong giáo dục và đào tạo.
      Đảng ta đã chỉ rõ: “Tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, học tập liên tục, học tập suốt đời ở mọi lúc, mọi nơi; huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia xây dựng và phát triển giáo dục, mọi người, mọi tổ chức đều có trách nhiệm, nghĩa vụ trong học tập và tích cực tham gia xây dựng xã hội học tập”. (Quyết định 112/QĐ-TTg)
     Như vậy có thể nói, Giáo dục thường xuyên (GDTX) – một hình thức đào tạo KCQ ngày càng trở thành điểm thu hút người học ở mọi tầng lớp trong xã hội. Thật vậy, bằng những chức năng cơ bản nhưChức năng nối tiếp, chức năng bổ sung, chức năng hoàn thiện, chức năng hỗ trợ giáo dục chính quy và cấu trúc rất “mở”:  mở về đối tượng học tập, mở về địa điểm học tập, mở về thời gian học tập, mở về phương pháp học tập, mở về phương tiện học tập, ý tưởng học tập, nội dung học tập. Với chức năng và cấu trúc như vậy, GDTX đã chứng minh được tính văn minh, tinh thần đại chúng, do vậy GDTX rất cần được ưu tiên trong chính sách giáo dục và phát triển GDTX là nội dung trong lộ trình “xây dựng XHHT”, GDXT phải thật sự là Giáo dục KCQ.
     Trong những năm gần đây, mô hình đào tạo KCQ đã và đang thích ứng để theo kịp với sự phát triển nhanh như vũ bão của khoa học và công nghệ; ngày càng khẳng định được chất lượng để duy trì và phát triển bền vững hệ thống, góp phần ngăn chặn việc đào tạo không chính quy chỉ hướng tới “Văn bằng”, thì những biện pháp để phát triển đào tạo KCQ hướng tới chất lượng và phát triển bền vững là: Đào tạo bằng công nghệ Giáo dục Mở và Từ xa (GDM&TX) – Đây chính là thế mạnh của Đại học Mở Hà Nội.
     Theo GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, công nghệ GDM&TX bao gồm một hệ thống tài liệu học tập tốt thích hợp và hệ thống công cụ đánh giá chặt chẽ cho mọi chương trình đào tạo đại học, ngoài ra, còn có cơ sở hạ tầng của công nghệ thông tin và truyền thông. Với Công nghệ này, việc “cá nhân hóa” chương trình đào tạo ngày càng trở nên dễ dàng và bám sát mục tiêu “ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục”.
“Cá nhân/cá thể hóa giáo dục” (‘customized education’) là một trong những hình thức thay thế, được các nhà nghiên cứu giáo dục ủng hộ. Trái ngược với hình thức giáo dục tập trung truyền thống, vốn áp đặt cùng tiêu chuẩn giáo dục cho tất cả người học, thì cá thể hóa giáo dục nhìn nhận mỗi người học là một cá thể khác biệt. Vì thế, mỗi người học cần phải được thụ hưởng một phương pháp giáo dục khác nhau. Bởi mỗi người có một khả năng khác nhau, mỗi người sẽ có những điểm mạnh và yếu riêng trong học tập. Phải cá thể hóa giáo dục, thay vì chụp mũ tất cả người học trong một lớp thành từng nhóm, thì sẽ triển khai nhiều hình thức giảng dạy khác nhau cho những đối tượng khác nhau. Hình thức này là hình thức phổ biến, hiệu quả mà Đại học Mở đã và đang thực hiện kể từ khi thành lập đến nay, đó chính là sự khác biệt trong hệ thống đào tạo Đại học ở các trường Đại học, Học viện có đào tạo trình độ Đại học ở Việt Nam.
      Việc cá thể hóa giáo dục phải chú trọng dạy kỹ năng nghề nghiệp để tạo ra những con người có đạo đức, có ích cho xã hội, vừa là để đào tạo một lực lượng lao động giỏi trong tương lai; đào tạo nên những công dân toàn cầu, học để biết, học để làm việc, học để tự khẳng định mình, học để chung sống theo khuyến cáo của UNESSCO.
      Trung tâm GDTX, với vai trò, chức năng của mình đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu của mô hình đào tạo KCQ. Tuy nhiên, từ trước tới nay, hầu hết các Trung tâm vẫn đang “bám chặt” hình thức đào tạo truyền thống theo cách “mặt giáp mặt”. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ tới tính “Mở” trong cấu trúc của GDTX và không phát huy hết chức năng vốn có của GDTX.  Do đó, việc tổ chức các khóa đào tạo không chính quy theo hướng cá nhân hóa tại Trung tâm GDTX cấp tỉnh là hết sức cần thiết, phù hợp với điều kiện khách quan, nhằm góp phần tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực theo quy hoạch phát triển KT-XH phù hợp với chủ trường, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước..
      Muốn thực hiện được những nội dung này, cần một số giải pháp như sau: 
     Thứ nhất, Trung tâm GDTX và các trường Đại học Mở Hà Nội phải phối hợp để xây dựng một môi trường học tập trực tuyến hiện đại, trong đó bao gồm một hệ thống tài liệu học tập tốt thích hợp,  hệ thống công cụ đánh giá chặt chẽ cho mọi chương trình đào tạo và cơ sở  hạ tầng  của CNTT đảm bảo cho việc “cá nhân hóa” chương trình học của học viên được thực hiện hiệu quả nhất. Ưu tiên những tiện ích như Mobile learning (học trên điện thoại), làm giản tiện công cụ hỗ trợ học, làm tăng số lượng người học. Khuyến khích các đơn vị GDTX sử dụng tài nguyên giáo dục mở để hỗ trợ người học và nâng cao tính tự học, tự nghiên cứu của học viên trong quá trình chiếm lĩnh tri thức.
     Thứ hai, nâng cao vai trò của Giảng viên (GV) đối với quá trình tự học của học viên hệ KCQ. Vai trò quyết định thành công hay thất bại của quá trình học tập là vai trò của người học, nhưng vai trò của người dạy không phải là không quan trọng. Đặc điểm của học viên hệ KCQ chính là vừa đi học vừa đi làm, không đồng đều về trình độ, và không được đào tạo liên tục về thời gian, mà sắp xếp môn học theo lịch trình nhất định. Dó đó, vai trò của GV ảnh hưởng tương đối sâu sắc tới quá trình tự học của học viên. GV phải định hướng nội dung học cho học viên, gợi mở tri thức, hỗ trợ, hướng dẫn và cuối cùng là kiểm tra đánh giá nội dung đã giao.
     Thứ ba, trong tổ chức thực hiện phải lựa chọn đội ngũ làm công tác tuyển sinh chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, thích ứng để phát triển.
      Trung tâm GDTX cấp tỉnh có sự ổn định và phát triển bền vững được hay không là do quy mô, số lượng người học. Vì vậy, để giữ vững quy mô, ổn định và phát triển bền vững cần phải có đội ngũ viên chức có năng lực tổ chức, khảo sát điều tra, quảng bá hình ảnh, tư vấn tuyển sinh, nhằm không ngừng mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình đào tạo, đơn vị LKĐT, hình thức đào tạo…vì vậy Trung tâm GDTX cấp tỉnh cần củng cố, sắp xếp bố trí lại đội ngũ phù hợp, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới.
      Để Trung tâm GDTX cấp tỉnh phát triển ổn định và bền vững thì Trung tâm phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ viên chức và người lao động phải năng động, sáng tạo, thích ứng với điều kiện và môi trường làm việc mới, phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phải biết nhiều việc và giỏi một việc. Trước mắt, Trung tâm GDTX cấp tỉnh phải sắp xếp, phân công lao động hợp lý, đào tạo, bồi dưỡng kịp thời, đưa mọi người vào việc cụ thể, nắm bắt nhiệm vụ mới, khó để nỗ lực vươn lên vì mục tiêu phát triển của Trung tâm. Cán bộ Tuyển sinh phải có chuyên môn vững vàng, có tính chuyên nghiệp cao, biết kèm cặp, hướng dẫn cho mọi cán bộ trong đơn vị trở thành những cộng tác viên tuyển sinh chuyên nghiệp.
      Xây dựng kế hoạch khảo sát điều tra, thu thập thông tin, khảo sát nhu cầu người học trên địa bàn; xây dựng KH đào tạo phù hợp từng ngành, lĩnh vực công tác; bám sát vào quy hoạch phát triển KT-XH của từng tỉnh đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045 từ  đó xây dựng kế hoạch tuyển sinh cụ thể từng loại hình, ngành nghề đào tạo, hình thức đào tạo, đơn vị LKĐT cho từng năm và từng kỳ kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh.
      Quảng bá hình ảnh, tư vấn kịp thời, thông tin chính xác loại hình, đơn vị đào tạo của các đơn vị đã, đang liên kết và sẽ LKĐT, bồi dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của mọi người trong xã hội. Mở rộng hợp tác đối ngoại, tranh thủ mọi mối quan hệ; khơi dậy tiềm năng sẵn có trong mỗi cán bộ để tiếp cận thực tế từng ngành, lĩnh vực KT-XH, những nhiệm vụ của từng địa phương trong tỉnh.
      Thứ tư, Phải xác định rõ cơ chế phối hợp với các đơn vị chủ trì đào tạo:
      Trách nhiệm của Trung tâm GDTX cấp tỉnh: Xây dựng kế hoạch, khảo sát nguồn để thông báo cho Trường Đại học Mở Hà Nội những thông tin về nội dung, chương trình, mục đích, yêu cầu của từng khóa đào tạo. Nội dung này được thông tin tới từng cá nhân người học có nhu cầu đăng ký theo học bằng mọi hình thức trực tiếp, trực tuyến…
      Trung tâm GDTX cấp tỉnh có trách nhiệm cùng Trường Đại học Mở Hà Nội đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất thực hiện LKĐT, đề xuất bổ sung vào chương trình đào tạo những nội dung phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, nguồn nhân lực của địa phương; cử người đủ tiêu chuẩn tham gia quản lý, giảng dạy, hướng dẫn sinh viên thực hành, thực tập, thảo luận theo thoả thuận.
      Trung tâm GDTX cấp tỉnh phối hợp cùng Trường Đại học Mở Hà Nội chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện các cam kết theo thoả thuận đã ký kết; phối hợp, theo dõi, kiểm tra thực hiện các quy chế về tuyển sinh, đào tạo; quản lý quá trình dạy học đảm bảo chất lượng đào tạo; đảm bảo quyền lợi cho người dạy, người học trong suốt quá trình thực hiện liên kết đào tạo.
      Trường Đại học Mở Hà Nội cũng cần chuẩn bị giáo trình, tài liệu tham khảo, phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành; bố trí giảng viên đủ tiêu chuẩn giảng dạy, tham gia sinh hoạt chuyên môn; xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo; tổ chức tuyển sinh, ra đề, chấm thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện; xét công nhận kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp cho người học theo đúng các quy định hiện hành.
      Trường Đại học Mở Hà Nội cần tiếp tục gia cố những yếu tố nền móng, đổi mới tư duy về phát triển giáo dục trong tổng thể chiến lược phát triển của Quốc gia. Mục tiêu là đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, cụ thể là chuyển từ biệt lập, tự phát về số lượng sang chất lượng, có kết nối giữa đào tạo và sử dụng lao động, từ cách đào tạo làm cho người học thụ động sang chủ động sáng tạo, không ngại đương đầu với khó khăn, thách thức.
      Thứ năm, để thực hiện tốt việc “Phát triển đào tạo đại học linh hoạt, thích ứng góp phần thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục đại học” thì Trường Đại học Mở Hà Nội cần nắm bắt các khoảnh khắc “micro moment” để thỏa mãn nhu cầu về việc tìm hiểu, lựa chọn ngành nghề, loại hình đào tạo mà người học có nhu cầu. Trường Đại học Mở Hà Nội có khả năng đào tạo tốt và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo để xóa nhòa ranh giới giữa chất lượng đào tạo chính quy và không chính quy. Có như vậy, việc học thường xuyên, học suốt đời trong một xã hội học tập sẽ được lan tỏa một cách tự nhiên và bền vững.
      Trường Đại học Mở Hà Nội cần tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ nghiên cứu, thu hút cán bộ giỏi, các chuyên gia trong và ngoài nước hợp tác với nhà trường. Đổi mới cơ chế quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trong đó xây dựng đội ngũ giảng viên là khâu then chốt…
      Mục tiêu đào tạo cần thay đổi theo hướng thúc đẩy sáng tạo, phát triển năng lực cá nhân. Đào tạo theo định hướng khởi nghiệp theo mô hình “5 trong 1”, trong đó, chuẩn đầu ra với nhiều kỹ năng mới của công dân 4.0 và 5 thành tố bao gồm: Có nhiều chương trình đào tạo mới có tính liên ngành và xuyên ngành cao và nhiều chương trình đào tạo gắn với công nghệ 4.0; Cấu trúc chương trình đào tạo mới; Công nghệ đào tạo mới; Các dự án khởi nghiệp mới và Hệ sinh thái giáo dục khởi nghiệp mới kết nối tất cả các bên liên quan: người dạy, người học, giảng đường, phòng thí nghiệm và người sử dụng.
      Thay vì giảng dạy một chương trình chung, cần xây dựng nhiều chương trình khác nhau giúp cá nhân hóa việc đào tạo; cần xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu của từng người học để đưa ra chương trình đào tạo riêng phù hợp. Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các ngành học mới (chẳng hạn, ngành trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, ngành logistics và các ngành hội tụ ICT thông minh), hệ thống giáo trình cũng cần thay đổi, cập nhật liên tục. Chú trọng đào tạo các kỹ năng mới như: tìm kiếm thông tin; cập nhật phần mềm; tiếp cận và lưu trữ dữ liệu; sử dụng các thiết bị cảm biến, làm việc cùng robot; giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, sáng tạo; quản lý nhân sự; làm việc nhóm…
      Xin chân thành cảm ơn và mong nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của Quý vị tham dự Hội nghị Thường niên về Đào tạo không chính quy năm 2021 do Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức.
  Tháng 10/2021

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat với chúng tôi