TRUYỀN THỐNG “TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO” CỦA NGƯỜI VIỆT
Trong bất kỳ thời điểm lịch sử nào, dù xã hội có phát triển và đổi thay, “tôn sư trọng đạo” vẫn là một truyền thống, một nét đẹp trong văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Vai trò của người thầy luôn được đề cao và coi trọng, hình ảnh người thầy giáo luôn tiêu biểu trong mọi tầng lớp của xã hội, và nghề giáo được thừa nhận là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý.
Trong ba vị trí đặc biệt quan trọng của xã hội Việt xưa “Quân – Sư – Phụ”, thì “Thầy” chỉ đứng sau “Vua” và trên cả “Cha mẹ”. Vai trò của người thầy được khẳng định qua ca dao, tục ngữ: “Không thầy đố mày làm nên”, “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”… Thầy là người được xã hội đặc biệt coi trọng và tôn vinh, là người mà nhân dân gửi gắm niềm tin, giúp con em họ học hành mà thành tài. Thầy giáo là biểu tượng thiêng liêng cho sự học, là “khuôn vàng thước ngọc” của đạo đức, nhân cách để học trò noi theo, để trở thành người có đức, có nhân, có tài đứng ra giúp nước.
Đạo lý thầy-trò là một trong những đạo lý thiêng liêng nhất của con người. Cũng như đạo trung của dân với nước và đạo hiếu của con cái đối với cha mẹ, đạo lý thầy-trò góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc và cốt cách con người Việt Nam.
Trong tuyền thống Việt Nam, thầy giáo luôn hết mình dạy dỗ, không chỉ truyền tải kiến thức cho học trò, mà còn luôn giữ lòng thanh cao để làm gương cho học trò. Còn học trò cũng phải giữ đúng “đạo học trò”, nhất mực coi trọng những lời dạy bảo của thầy, chăm chỉ học tập và ứng xử cho phải đạo. Nếu phạm lỗi phải biết kính cẩn xin lỗi và sửa chữa lỗi lầm. Vì vậy, nước ta mới có nhiều thầy giỏi, trò tài, tạo nên lịch sử vẻ vang hàng nghìn năm văn hiến.
Người thầy được xã hội tôn vinh nhưng trọng trách mà xã hội đặt ra cho người thầy cũng hết sức nặng nề. Trò không ngừng học, người thầy cũng phải không ngừng tự làm mới mình để đủ sức khai sáng, khơi nguồn cho thế hệ trẻ theo đà tiến bộ của văn hóa xã hội và khoa học kỹ thuật hiện đại.
Ngày nay, đạo thầy-trò truyền thống vẫn được giữ gìn và phát huy. Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến trước lúc đi xa, Bác Hồ luôn luôn chăm lo cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, quan tâm đến công tác và đời sống của các nhà giáo. Những dịp khai trường và kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Bác thường gửi thư khen ngợi, nhắc nhở nhiệm vụ của các cô giáo, thầy giáo, hoặc đến thăm các trường học.
Điều đặc biệt làm cho các nhà giáo vô cùng xúc động, thấm thía, như Bác Hồ khẳng định: “Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất… Người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh” (Bài nói chuyện của Bác tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội ngày 21.10.1964)
Trong xã hội ngày nay, mặc dù khoa học kỹ thuật phát triển, nhiều yếu tố hiện đại, tiện ích có thể tham gia vào quá trình giáo dục con người, nhưng vẫn không gì có thể thay thế được vị trí đặc biệt quan trọng của thầy-cô giáo. Bởi lẽ, dù xã hội có phát triển như thế nào đi nữa, người thầy vẫn luôn là biểu tượng cho nhân cách, chuẩn mực đạo đức và là người truyền vào tâm hồn học trò những điều tốt đẹp, gieo mầm thiện để nhân lên những điều thiện trong tâm căn mỗi học trò.
Thầy là người truyền lửa ham học cho học trò, khơi lên trong các em những ước mơ, hoài bão để thổi bùng lên những khát vọng cao đẹp trong tương lai; là người định hướng tri thức để học trò khám phá, tìm tòi tri thức. Để làm được những điều đó, khi xã hội phát triển, khoa học công nghệ đạt được những thành tựu to lớn, người thầy càng phải không ngừng học tập, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để bắt kịp với thời đại, đáp ứng được những nhu cầu đổi mới cũng như học tập ngày càng cao của học sinh.
Chính vì thế, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” trong xã hội ngày nay không khác xưa là mấy, vẫn vẹn nguyên giá trị về sự kính trọng người thầy, coi trọng sự học. Tuy nhiên, việc kính yêu, biết ơn thầy cô giáo ngày nay cũng có phần thay đổi so với xưa kia. Khoảng cách giữa thầy và trò đã gần gũi, thân thiện hơn, không còn bị chi phối bởi những giáo lý nghiêm ngặt như trong xã hội xưa. Những quy định về lễ nghĩa giúp học trò có thể thể hiện sự kính trọng thầy cô bằng nhiều cách khác nhau.
Tuy nhiên, khi những giá trị kinh tế thị trường và mặt trái của công cuộc mở cửa tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội, đạo lý thầy-trò đã và đang có nhiều biểu hiện suy yếu đáng báo động. Một bộ phận giáo viên chất lượng chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số ít giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục có những vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống và cả đạo thầy-trò.
Bên cạnh đó, do “bệnh thành tích”, không ít học sinh, sinh viên lười biếng học hành, không quý trọng tri thức văn hóa-khoa học; nhiều học sinh, sinh viên có lối sống thực dụng thấp kém, quậy phá trong trường và ngoài xã hội, coi thường lễ nghĩa và cả hành hung thầy, cô. Những hành động này cho thấy giá trị đạo đức trong giáo dục có hiện tượng xuống cấp. Tình trạng này cần được sự can thiệp mạnh mẽ của các nhà quản lý, của nhà trường, gia đình và cả toàn xã hội nhằm bồi đắp đạo lý thầy-trò và phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo toàn diện.
Những hiện tượng nêu trên chỉ là cá biệt. Và truyền thống “Tôn sư trọng đạo” dù ở ngày xưa hay hôm nay và mãi mãi mai sau vẫn là một nét đẹp của dân tộc Việt Nam, là thước đo của sự phát triển bền vững của văn hóa Việt.
- Tôn sư trọng đạo là gì?
“Tôn sư” trong đó “tôn” là tôn trọng, kính trọng và đề cao; “sư” là thầy dạy học, dạy người, dạy chữ. Vậy tôn sư là người học trò phải biết tôn trọng, kính trọng và đề cao vai trò của người thầy trong quá trình học tập vào trong cuộc sống. Tuy nhiên, tôn sư” không đồng nghĩa với là thầy luôn luôn đúng, vì điều đó còn tùy thuộc vào sức khỏe, trạng thái tâm lý của thầy giáo, sự thay đổi của điều kiện ngoại cảnh mà đã tác động đến hoạt động giáo dục.
“Trọng đạo” trong đó “trọng” là coi trọng, tôn trọng, đạo là đạo lí, con đường làm người, đạo đức, đạo lí truyền thống tốt đẹp của con người. Vậy trọng đạo là người học trò phải biết tôn trọng, lễ phép, kính trọng người thầy vì người thầy đã giảng dạy, truyền dạy cho chúng ta biết thế nào là đạo nghĩa, đạo đức, đạo học làm người và những tri thức khác về mọi mặt của đời sống tự nhiên, đời sống xã hội. Ngoài ra, trọng đạo cũng có nghĩa là trọng chân lý, xét trong tình huống giáo dục cụ thể chân lý là của cùng một chủ thể thầy dạy đưa ra, nhưng cũng có khi là chân lý được học trò đúc kết, tích lũy trong hoạt động sống nói chung. Vì thế, trong giáo dục, học trò vẫn có thể tranh luận với thầy, phản biện lại thầy về kiến thức chân lý mà vẫn giữ nguyên đạo lý và sự tôn sư.
Như thế, sự “tôn sư” đi liền với “trọng đạo” không tách rời nhau mà luôn ở trong cùng một khái niệm. Ngày nay, “tôn sư trọng đạo” vẫn mang ý nghĩa tôn vinh người thầy và nghề dạy học, nhưng giáo dục ngày nay cơ bản đã khác xưa, mối quan hệ thầy trò cũng cũng phải vận động sao cho phù hợp với thời cuộc”. Tuy nhiên, cho dù là sự vận động như thế nào đi chăng nữa thì vai trò của người thầy cũng không thể thay thế được. Người Trung Quốc có câu: “Một gánh sách không bằng một người thầy giỏi”. Mặt khác, sự “tôn sư” ở đây còn được hiểu là kính trọng thầy về kiến thức và đạo đức, nhưng cũng còn ý nghĩa khác nữa là quý mến thầy trong cách hiểu về tình người. Tóm lại, có thể hiểu đơn giản tôn sư trọng đạo là tôn trọng, kính yêu và biết ơn đối với những người làm thầy giáo, cô giáo (đặc biệt là những thầy cô giáo đã dạy mình) ở mọi lúc mọi nơi, coi trọng những điều thầy dạy, coi trọng và làm theo đạo lí mà thầy đã dạy mình.
Tôn sư trọng đạo là một truyền thống quý báu của dân tộc, chúng ta cần phát huy và giữ gìn truyền thống ấy. Đây là một nét đẹp trong tâm hồn mỗi người, làm cho các mối quan hệ ngày càng trở nên gắn bó.
- Biểu hiện thể hiện sự tôn sư trọng đạo
Tôn sư trọng đạo được thể hiện rõ nhất thông qua các hành động, lời nói, cử chỉ và thái độ đối với thầy giáo, cô giáo. Chỉ cần thông qua tác phong nói chuyện của học sinh đối với thầy cô là có thể nhìn rõ được đạo đức này trong mỗi người.
Thứ nhất, học sinh có thái độ và hành động làm vui lòng thầy cô. Tôn sư trọng đạo chính là đạo đức cần thiết có đối với tất cả mọi người. Chúng ta cần thể hiện một thái độ kính trọng, mến yêu bởi lẽ các thầy cô giáo đã dạy dỗ mình nên người. Bên cạnh đó, mỗi học sinh cũng cần phải lễ phép khi giao tiếp, không tỏ thái độ thiếu tôn trọng hoặc có các hành vi, cử chỉ không đúng chuẩn mực với thầy cô. Đồng thời, các bạn cũng phải luôn nỗ lực hết mình, ghi nhớ những lời thầy cô dạy để trở thành những công dân có ích cho xã hội. Đặc biệt là các em học sinh, sinh viên cần phải chăm ngoan, nghe lời thầy cô, cố gắng học tập và rèn luyện để đạt được kết quả cao trong học tập.Có như thế mới có thể báo đáp ân nghĩa với sự dạy dỗ của thầy cô.
Thứ hai, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là ngày lễ truyền thống của dân tộc Việt Nam, đây là ngày để tôn vinh công lao dạy dỗ của các thầy giáo, cô giáo. Đồng thời cũng là dịp để mọi người bày tỏ lòng biết ơn, sự kính trọng của mình đối với thầy cô giáo đã dạy mình. Vào ngày này, các em học sinh và sinh viên trên khắp cả nước lại nô nức mua những bó hoa, món quà,… để dành tặng cho thầy cô. Xã hội luôn có sự quan tâm đặc biệt đến các nhà giáo. Bên cạnh những biểu hiện bên trên, tôn sư trọng đạo còn được thể hiện rõ nhất thông qua sự quan tâm của xã hội đối với các nhà giáo. Có thể khẳng định rằng, trong xã hội hầu hết mọi người luôn dành tình cảm kính mến và tôn trọng đối với các giáo viên. Sự quan tâm đối với nền giáo dục, đời sống vật chất và tinh thần của giáo viên sẽ giúp cho các học sinh phát triển tốt. Đặc biệt, Nhà nước còn luôn có sự quan đặc biệt đối với các nhà giáo thông qua những chính sách như tăng ngân sách cho giáo dục, tăng lương và phụ cấp. Đồng thời, còn tu bổ, xây dựng hệ thống trường lớp tạo ra môi trường thuận lợi cho quá trình giảng dạy, học tập và rèn luyện.
- Ý nghĩa của tôn sư trọng đạo
Từ xưa đến nay, tôn sư trọng đạo là phẩm chất đạo đức rất được coi trọng, nhằm đền đáp công lao to lớn của những người thầy thầm lặng đã truyền đạt kiến thức để giáo dục con người. Ông cha ta từ thời xa xưa vẫn thường dạy “Nhất tự vi sư bán tự vi sư”, tức là một chữ cũng là thầy nửa chữ cũng là thầy. Như vậy, vai trò của người thầy đã sớm được ghi nhận trong xã hội từ rất lâu về trước.
Sinh thời, thủ tướng Phạm Đồng đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Khác với các nghề khác, thành phẩm của giáo dục và công lao của người thầy chính là tạo ra những người tốt cho xã hội. Bên cạnh đó, kho tàng ca dao tục ngữ của Việt Nam cũng có rất nhiều câu nói về công lao của người thầy, chẳng hạn như:
“Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”
Tôn sư trọng là truyền thống văn hóa vô cùng tốt đẹp của dân tộc từ bao đời nay. Xuất phát từ vai trò quan trọng của giáo dục, Nhà nước ta xác định rất rõ ràng rằng giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu của Việt Nam. Vì vậy, rất nhiều chính sách phát triển với lĩnh vực giáo dục được đưa ra nhằm mang đến một thế hệ mới có tri thức cao, sánh vai với các cường quốc châu lục trên thế giới. Không chỉ vậy, Nhà nước còn lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày hội lớn toàn dân để tôn vinh các nhà giáo của Việt Nam.
Tôn sư trọng đạo còn có ý nghĩa giúp cho con người sống có nhân nghĩa và thủy chung. Sống trong đời nếu biết coi trọng đạo lý làm người nói chung và tôn sư trọng đạo nói riêng sẽ giúp cho chúng ta có khả năng tiến xa hơn trong học tập và gặt hái được thành công lớn trong sự nghiệp. “Tôn sư trọng đạo” dù ở thời xưa hay ngày và mãi mãi mai sau vẫn luôn là một nét đẹp không gì có thể thay thế được của dân tộc Việt Nam. Dù ở đâu, thời nào, người thầy vẫn giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội.